Việt Nam là một nước hình chữ “S” trải dài 3 miền Bắc, Trung, Nam; vì vậy ẩm thực có đặc trưng riêng của từng vùng. Nếu như ẩm thực miền Trung mang đậm nét bản sắc của một vùng đất đầy nắng gió, miền Nam là sự hòa trộn của nền ẩm thực khác nhau thì ẩm thực miền Bắc lại in đậm cốt cách của nền văn hóa lâu đời, vì thế món ăn của người miền Bắc đều được sàng lọc và trở thành chuẩn mực không dễ gì thay đổi. Ẩm thực miền Bắc là món ăn có vị vừa phải, thanh đạm, nhẹ nhàng nhưng lại có màu sắc rực rỡ, không đậm các vị cay, ngọt, béo.
Ẩm thực miền Bắc: Cốm làng Vòng
Cốm làng Vòng là một đặc sản ẩm thực của Việt Nam. Đây là một sản phẩm đặc trưng của làng Vòng ngày trước có tên là thôn Hậu, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm; nay thuộc phường Dịch Vọng hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Nhắc đến cốm Vòng là thứ cốm dẹt, màu xanh non làm từ nếp cái hoa vàng vừa qua kỳ đổ sữa. Nghề làm cốm cũng lắm công phu, lúa già hạt cốm không còn xanh, cứng và gãy nát. Lúa non quá, hạt cốm bết vào vỏ trấu, nhão mất ngon. Thường lúa gặt hôm nào đem rang và giã cốm hôm đó, rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo.
Cốm được gói vào lá sen già ấp ủ hương sen tinh khiết hoặc lá khoai rát xanh non và buộc bằng những sợi rơm vàng. Cốm được xem như một món quà ăn chơi không dành cho người sống vội bởi lẽ để thưởng thức được vị tinh tế ngào ngạt của cốm ta phải bốc từng dúm nhỏ đựng trong lá sen, nhai cốm thật chậm rãi để cảm nhận vị ngọt thơm thoang thoảng của lúa nếp non và hương sen ngào ngạt. Cốm làng Vòng là một biểu tượng của mùa thu Hà Nội và nó cũng thanh tao như người dân Tràng An vậy.
Ẩm thực miền Bắc: Phở Hà Nội
Việt Nam được WRA xác lập kỉ lục là đất nước sở hữu nhiều món sợi hấp dẫn nhất thế giới. Nói đến món sợi đặc trưng của đất ắc là không thể không nhắc đến phở Hà Nội. Thậm trí phở đã trở thành một thương hiệu khi người ta nhắc đến Việt Nam, nhắc đến miền Bắc.
Nếu bạn có bạn bè, đối tác sắp đến Hà Nội công tác, sinh sống thì hãy giới thiệu cho họ về ẩm thực thủ đô, đặc biệt là về món phở truyền thống nhé. Bạn cũng có thể đưa họ đi nếm thử các món ngon ăn một lần nhớ mãi không quên theo mùa của Hà Nội để họ được trải nghiệm sự đa dạng và phong phú của ẩm thực thủ đô.
Ẩm thực miền Bắc: Bánh cuốn Thanh Trì
Nhắc đến các món ăn làm từ lúa gạo ngon đã tồn tại từ bao đời nay của người dân đất Hà Thành sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến bánh cuốn Thanh Trì. Đĩa bánh cuốn nóng hổi thơm ngon với nhiều nguyên liệu khác nhau vẫn trường tồn theo thời gian mà không hề thay đổi.
Làm bánh cuốn cũng khá công phu, bột tráng bánh phải chọn loại gạo ngon thường là gạo gié cánh, tám thơm, xay mịn như nước, từng lá bánh được tráng trên khuôn vải căng chụp trên nồi nước sôi. Mỗi lá bánh mỏng tang như tờ giấy, được thoa thêm một chút mỡ phi hành cho thơm. Khách ăn đến đâu, người bán khẽ bóc từng lá đến đây như tách thứ lụa mỏng, mịn mỡ màng, đây là công đoạn công phu nhất đòi hỏi nhiều kĩ năng thành thục của người nghệ nhân tráng bánh vì nếu đổ bọt quá dày thì bánh sẽ không đẹp mắt mà còn khó chín, đổ bánh quá mỏng thì bánh không thành hình đẹp, lúc lấy bánh cũng là cả một bầu trời khéo léo khi phải lấy từng lá bánh mỏng sao cho không rách. Bánh cuốn không chỉ ngon và trông đẹp mắt, để thưởng thức trọn vẹn vị ngon của bánh cần có nước chấm. Nước chấm khéo pha với các loại nước mắm ngon, dấm nếp, thêm vài lát ớt tươi, giọt cà cuống và hành phi . Bánh có thể ăn kèm với chả quế, ruốc thịt, ruốc tôm hấp nóng trong một nồi nước. Mỗi đĩa bánh cuốn Thanh Trì với mươi lá mỏng là đủ một bữa điểm tâm thanh cảnh mà ngon lành.
Ẩm thực miền Bắc: Bún chả
Cạnh phở thì bún chả cũng là món ăn ngon trong danh sách cứ đi xa Hà Nội là nhớ, và nếu có đặt chân tới thủ đô thì nhất định phải nếm thử.
Bún chả là món ăn với bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội, nên có thể coi đây là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn. Trước đây bún chả thường được ăn vào buổi trưa nhưng ngày nay các bạn có thể thưởng thức ẩm thực kinh kỳ tất cả các buổi trong ngày.
Có rất nhiều biến tấu từ món bún chả mà các thực khách có thể tham khảo như bún chả bọc lá chuối, bún chả kẹp que, bún chả ăn sáng, bún chả dấm sấu dấm me. Không khó để tìm được một quán bún chả tại Hà Nội. Một số cái tên nổi tiếng với hương vị bún chả đặc trưng như bún chả Đắc Kim ở Hàng Mành, bún chả Bình Chung ở Bạch Mai, bún chả Sinh Từ, bún chả Duy Diễm ở Ngọc Khánh, bún chả Hương Liên ở Ngô Thì Nhậm, bún chả Ngọc Xuân ở Thụy Khuê,..