Ẩm thực miền Bắc ngon: Bún thang

Bún thang là món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật ẩm thực Hà Nội. Người ta nói rằng các món ăn Hà Nội rất cầu kỳ, tinh tế, điều đó cũng đúng với món bún thang. Ai đã ăn món này 1 lần, thì dù đi đâu, làm gì, cũng nhớ về một miền quê hương với món bún đậm đà dân tộc.

Ẩm thực miền Bắc ngon: Bún thang

Ẩm thực miền Bắc ngon: Bún thang

Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị cho đến nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang. Rau răm, mùi tàu, trứng gà rán mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún phải là loại bún sợi nhỏ. Trên rắc tôm bông và rải vài lát lạp xưởng. Nước dùng phải là loại nước trong, nóng chan vừa bát, gia vị đi kèm như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu hoặc thêm chút mắm tôm. Một dị bản của bún thang là bún thang khô: nước dùng không chan cùng bát mà chỉ tráng qua bún cho nóng. Vẫn đầy đủ các vị kể trên song không húp như khi ăn bún nước.

Một số địa chỉ bún thang nức tiếng gần xa của thủ đô phải kể tới Bún Thang – 48 Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Bún thang Hàng Hòm, Bún thang Giảng Võ – D2 Giảng Võ, Quận Ba Đình, Bún thang Hạ Hồi, Bún thang Hàng Hành – Số 29 Hàng Hành, Hoàn Kiếm.

Ẩm thực miền Bắc ngon: Bún thang

Ẩm thực miền Bắc ngon: Bún thang

Ẩm thực miền Bắc ngon: Bánh phu thê Đình Bảng – Bắc Ninh

Bánh phu thê là một loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam. Bánh phu thê mang ý nghĩa tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng, và thường hay có mặt trong tiệc cưới như một lời nhắn nhủ đến các đôi vợ chồng trẻ. Đình Bảng là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý và là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này. Được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên, bánh phu thê không khoe mùi tỏa hương như bánh rán, bánh khúc. Chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa sứ người ta mới thật sự ngỡ ngàng. Dưới lớp bỏ bánh sắc vàng trong suốt, nhân bánh hiện ra. Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị.

Để làm bánh, người ta phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo. Một cân gạo nếp cái hoa vàng thường chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột lọc đó lại đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.

Bánh phu thê Đình Bảng - Bắc Ninh

Bánh phu thê Đình Bảng – Bắc Ninh

Ẩm thực miền Bắc ngon: Thịt dê Ninh Bình

Ninh Bình không chỉ thu hút đông đảo du khách bởi sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên đẹp mà còn làm say lòng những tâm hồn yêu ẩm thực với thực đơn đa dạng các món dê núi trứ danh. Thịt dê Ninh Bình ngon hơn các vùng khác vì dê ở đây nuôi trên núi đá, ăn đa dạng các loại lá cây nên thịt dê săn chắc hơn so với dê thả đồi. Ninh Bình có bí quyết riêng, biến dê thành món đặc sản nổi tiếng. Các món ăn làm từ dê núi Ninh Bình rất đa dạng như tái dê, lẩu dê, dê xào, dê nướng, dê né, dê hấp, dê hầm… Đặc biệt món tái dê làm rất khéo, thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung,.. vị bùi bùi sẽ ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức.

Thịt dê có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng như một loại thực phẩm chữa bệnh đau lưng, tiết dê pha rượu giúp bổ huyết, chữa đau đầu, choáng váng. Trong dân gian, món ăn bồi bổ từ thịt dê có tác dụng chữa trị các chứng bệnh đau lưng mỏi gối, bổ thận tráng dương, ít tinh trùng, hoa mắt ù tai, lưng gối yếu, yếu sinh lý,…

Thịt dê Ninh Bình

Thịt dê Ninh Bình

Ẩm thực miền Bắc ngon: Nem nắm Giao Thủy – Nam Định

Nhắc đến nét ẩm thực miền Bắc không thể thiếu được món Nem nắm Giao Thủy – thứ nem khiến người ta mê mẩn đến “quên cả lời em dặn dò”.

Nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến, được làm bằng thịt lợn nhưng đó phải là thịt nạc mông ngon, cùng mùi thơm chủ đạo của nem là thính. Thính được làm từ gạo tám thơm Hải Hậu bằng cách ngâm qua đêm, để ráo nước rồi đem rang đến khi gạo có màu vàng ngà rồi đem giã mịn. Món nem này làm mồi rượu vừa ăn, vừa uống không thấy chán. Nem được ăn ngay sau khi chế biến mà không để chua như một số loại nem khác, thường được cuộn vào lá sung và lá đinh năng. Nem có thể được chấm với nước mắm chắt mặn, nước mắm tỏi ớt hoặc chấm tương ớt và có thể ăn kèm với rau sống khác. Nếu ai đã từng thưởng thức qua món nem nắm Giao Thủy – đặc sản huyện biển Giao Thủy, Nam Định chắc chắn sẽ không quên được hương vị đậm đà của nước mắm, bùi của thính, vị ngọt của thịt, vị cay của tỏi hòa quyện với vị chát của lá đinh lăng, lá sung. Tất cả tạo nên món nem nắm Giao Thủy không nơi nào sánh được.

Nem nắm Giao Thủy - Nam Định

Nem nắm Giao Thủy – Nam Định