Nếu có dịp đến với Lạng Sơn, một tỉnh miền núi với những ngọn núi hùng vĩ, cảnh đẹp nên thơ du khách cũng đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản hay những đồ ăn vặt tiêu biểu cho nền ẩm thực phong phú nơi đây.
Đặc sản Lạng Sơn – Phở chua
Đặc sản xứ Lạng này được chế biến rất cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. Phở chua phải ăn nhấn nhá mới thưởng thức trọn vẹn hương vị đặc biệt của món ăn này. Hiện nay, món phở chua được bán ở nhiều tỉnh vùng núi phía bắc nhưng chỉ có sản phẩm của Lạng Sơn là nổi tiếng hơn cả. So với phở bò trứ danh Hà thành, phở chua Lạng Sơn cũng không kém phần cầu kỳ. Một bát phở chua truyền thống của xứ Lạng cần đến hơn chục loại nguyên liệu đặc biệt như khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ, xá xíu, bột chao, lạp xưởng… chưa kể các loại rau thơm, dưa chuột, lạc rang… Với nguyên liệu đa dạng như vậy, phở chua hội tụ đầy đủ vị cay, ngọt man mát lại chua dịu thanh thanh.
Đặc sản Lạng Sơn – Vịt quay
Là giống vịt Bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch sẽ tẩm thêm hương liệu: hành, hạt tiêu, móc mật, nhồi vào bên trong vịt rồi khâu lại. Phần ngoài tẩm mật ong và để khoảng 10 phút. Tiếp theo quay vịt trên than hoa 15 phút. Sau khi quay xong nhúng vào chảo mỡ đảo đi đảo lại rồi cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thịt càng thơm. Thịt vịt phải thấm màu mật ong, miếng thịt ăn vào thấy đậm đà và mềm ngọt. Món này đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để thịt vịt không bị tanh lại thơm mùi lá móc mật. Khi ăn chấm với phần nước đọng trong vịt sau khi quay, thêm xì dầu, ớt. Ngoài vịt quay, món phở vịt ở đây cũng rất nổi tiếng. Thịt vịt mềm ngọt, nước dùng béo ngậy và vị chua của măng tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho ẩm thực xứ Lạng.
Đặc sản Lạng Sơn – Bánh ngải
Với bánh ngải, người vùng núi phía Bắc thường đun lá ngải non với nước tro sạch cho nhừ, rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đồ chín cũng được giã đều trong cối cùng với lá ngải đã giã mịn từ trước. Cứ giã thế từ lúc xôi nóng hừng hực tới lúc thành thứ bột mềm, mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. Cũng có một cách xử lý lá khác là luộc nước vôi trong để giữ màu xanh, sau đó đảo qua cho ráo nước, cuối cùng lá đó cũng bỏ vào giã nhuyễn cùng xôi cho đến lúc thành bột mịn. Cũng có nơi, người dân xay nhuyễn lá rồi trộn với gạo, đồ thành xôi xanh, rồi mới giã mịn. Khi bột đã nhuyễn dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn. Tỷ lệ nhân bánh không nhiều nếu so với bánh dày đỗ ngọt dưới xuôi. Bù lại, mùi vừng rất dậy quyện với mùi lá ngải nay đã chỉ còn thơm mà không còn chút đắng nào. Lạng Sơn được coi là “thủ phủ” của bánh ngải. Đến với mảnh đất này, ngoài mua thịt vịt quay, bát khâu nhục, khách du lịch còn thường mua bánh ngải mang về làm quà.
Đặc sản Lạng Sơn – Ốc đá
Ốc đá hay còn gọi là ốc núi đá. Ốc đá chỉ có vào mùa mưa, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8. Ốc đá sống trên những dãy núi đá vôi cao và chỉ sống trên lèn đá nên rất sạch. Ốc đá ăn lá cây, rong rêu và thậm chí là các loại thảo dược, do đó ốc chứa nhiều dinh dưỡng. Để nói về ốc đá ngon ở Lạng Sơn phải kể đến Hữu Liên, bởi cứ đến mùa mưa là người dân ở đây lại leo lên núi để bắt những con ốc đá về ăn. Ốc Hữu Liên to và đẹp, thịt có vị béo thơm mà không ngán, giòn dai ăn kèm với nước chấm gừng ớt rất ngon. Nguyên liệu này có thể chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn như luộc, hấp gừng, hấp xả, xào lá lốt, trộn gỏi… nhưng món ốc đá hấp sả vẫn được nhiều người ưu thích nhất.
Nhiều thực khách nếm thử đều tấm tắc khen ngon, bởi hương vị đặc trưng và độ giòn, ngon, lạ của loại ốc này. Ngoài là một món ăn dặc sản thì ốc núi đá còn được coi là một vị thuốc chữa bệnh gút rất hiệu nghiệm. Vậy nên nếu ghé Lạng Sơn vào tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, bạn nhất định nên mua ốc đá về làm quà biếu hoặc chế biến thưởng thức cùng gia đình, bạn bè.
Đặc sản Lạng Sơn – Xôi cẩm
Được làm từ lá cẩm và gạo nếp thơm, xôi cẩm là món ăn đặc trưng của xứ Lạng. Lá cẩm là loại thực vật gần gũi, được người dân vùng cao trồng để lấy lá nấu xôi ngũ sắc, tắm cho trẻ nhỏ, hay điều trị bệnh. Xôi lá cẩm thường được các bà nội trợ nấu cho gia đình vì hương vị ngon và nhìn bắt mắt của nó. Tùy theo từng địa phương, xôi sẽ được thêm nguyên liệu thứ ba như lá dứa thơm, tro bếp hay là chuối khô. Là cẩm giã nát, trộn với tro bếp, sau đó lọc với nước sạch và bỏ bã. Gạo nếp đem ngâm 6 tiếng với phần nước đã lọc ra. Lúc này hạt gạo nếp trắng đã chuyển màu tím đặc trưng của lá cẩm. Cho gạo vào chõ và đem đồ. Trong quá trình đồ xôi, 15 phút đảo một lần để xôi chín đều, sau một tiếng sẽ được món xôi cẩm thơm dẻo của gạo nếp và màu tím của lá cẩm ăn kèm với chả hoặc muối vừng rất ngon. Món xôi ăn nóng, chắc bụng. Đặc biệt ăn rất phù hợp vào những ngày lạnh của xứ Lạng.
Đây là món ăn được xem là món truyền thống, mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn nên thường xuất hiện trong các ngày lễ quan trọng như cưới hỏi, lễ tết… Không chỉ phục vụ bữa ăn thường ngày, xôi cẩm còn dùng để thiết đãi khách phương xa.