Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ mượt mà thể hiện nét đẹp ngàn đời của xứ Kinh Bắc mà nơi đây còn có những món ăn đặc sản nức tiếng xa gần khiến ai lỡ ăn một lần cũng không thể quên.
Nem làng Bùi – Đặc sản Bắc Ninh được nhiều người yêu thích
Nem là một món ăn chơi được nhiều người ưa chuộng, trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực đất Việt. Về Bắc Ninh, bạn không nên bỏ qua món Nem Bùi, một trong những món ăn nức tiếng vùng Kinh Bắc.
Nem Bùi được khai sinh ở làng Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nghề làm nem ở đây đã có từ hàng trăm năm nay, đời này nối tiếp đời kia phát triển và gìn giữ nghề của cha ông để lại. Hiện nay, nem Bùi đã có mặt trên thị trường, trở thành món ẩm thực ngon, rẻ và là món quà tặng ý nghĩa cho bạn bè, người thân sau mỗi dịp ghé qua Bắc Ninh.
Bún làng Tiền – Món ăn Bắc Ninh thơm ngon
Từ lâu, bún đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống của người dân Kinh Bắc nói riêng, cả nước nói chung. Mỗi khi thưởng thức món riêu cua, chả nướng… họ đều nhắc tới bún làng Tiền, xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Tất cả các công đoạn từ chọn gạo, xay bột, làm chín, ép qua khuôn tạo sợi đều rất tỉ mỉ và công phu mới có thể làm ra những sợi bún tươi ngon, dẻo dai như vậy. Thưởng thức bún chả phải về làng Tiền ăn đĩa bún với đủ gia vị ăn kèm mới không quên được.
Bún chả làng Tiền đặc biệt thơm ngon, bún được làm thủ công vừa trắng ngà bắt mắt, vị lại ngọt không dai vẫn mềm mà dính. Chả thịt được nướng bằng quen tre vô cùng thơm, còn nguyên vị ngọt của thịt mà không mất đi cái gia vị đã tẩm ướp vào đó. Bún ăn kèm rau sống cực quyện vị lại thêm chút ớt, nước chấm chua ngọt kèm chút dứa, tỏi nữa thì còn gì bằng.
Bánh tẻ làng Chờ – Quà tặng người thương
Ai đã từng ăn bánh tẻ (hay còn gọi là bánh răng bừa), một thứ quà quê nổi tiếng của huyện Yên Phong thì sẽ khó mà quên được vị ngọt từ thịt, mùi thơm của hành, cái giòn của mộc nhĩ và sự dẻo thơm của bột bánh. Những ngày lễ tết ở vùng Yên Phong đã đành, nay thì ở hội Lim (Tiên Du), hội Đền Đô (Từ Sơn)…các nhà hàng khách sạn ở Bắc Ninh, Hà Nội rồi đến những ngày khánh thành, lễ cưới sang trọng đều thấy có bánh tẻ làng Chờ. Đang lúc rượu ngà ngà các món cao lương ngũ vị cũng đã ngán cả rồi thì thứ bánh tẻ quê mùa vừa dẻo vừa dai, vừa giòn vừa thơm, vừa thanh vừa mát làm cho người thêm tỉnh táo, lại chắc cái dạ thì thật là tuyệt.
Bánh tẻ ăn lúc còn nóng mới ngon. Mâm cỗ ngày tết sau khi nhâm nhi chén rượu, mới bóc bánh ra, dùng con dao bài xắt bánh bày lên đĩa, lúc bấy giờ mọi người cùng thưởng thức. Bánh tẻ làng Chờ dẻo chứ không nhão, nát như thứ bánh giò mà bạn thường thấy, vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.
Bánh khúc làng Diềm – Đặc sản Bắc Ninh thu hút nhiều du khách
Đến làng Diềm, du khách không chỉ được lắng nghe những câu quan họ mượt mà của liền anh, liền chị mà còn được thưởng thức những chiếc bánh khúc xanh thơm, thắm đượm hồn quê dân dã. Chẳng biết từ khi nào, bánh khúc làng Diềm (Yên Phong – Bắc Ninh) lại nổi tiếng và thu hút du khách gần xa như thế, chỉ biết rằng từng chiếc bánh tròn nhỏ như nắm xôi ấy đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực riêng cho mảnh đất Kinh Bắc này.
Nhân bánh khúc làng Diềm có nhiều nét giống với bánh trưng như đỗ xanh đồ chín giã nhỏ, hạt tiêu thơm phức và thịt ba chỉ thái nhỏ, chỉ khác cho thêm chút tóp mỡ băm nhỏ trộn đỗ xanh để tăng vị béo ngậy khi ăn.
Thưởng thức bánh khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất. Lúc này lớp vỏ bánh bóng mọng bốc hơi nghi ngút, khách vừa thổi vừa ăn để cảm nhận hương thơm, bùi của lá khúc cùng vị ngậy béo của nhân đỗ thịt. Chiếc bánh khúc dường như là sự kết hợp hoàn hảo các sản vật đặc trưng của làng Diềm, mang đến hương vị độc đáo, hấp dẫn không dễ gì trộn lẫn. Muốn nghe quan họ, muốn ăn bánh khúc, về Diềm quê em…!!!! Thế nên chẳng có ở đâu bánh khúc lại ngon như làng Diềm.
Bánh đúc lạc – Ẩm thực nhất định nên thử
Bánh đúc lạc là món ăn tiếp theo nằm trong danh sách những món ăn đặc sản Bắc Ninh mà bạn nên thưởng thức. Bánh đúc lạc à món ăn được làm từ những nguyên liệu rất mộc mạc như là gạo tẻ, đậu phộng và các loại gia vị để nêm nếm.
Với sự khéo léo, và tỉ mẫn của đôi bàn tay, các mẹ các chị ở Bắc Ninh đã làm ra món bánh đúc lạc khiến bao người mê mẩn này. Để làm bánh đúc lạc, người nấu cần ngâm gạo tẻ với nước vôi trong sau đó nghiền nhuyễn thành bột và bắc lên bếp, trong quá trình nấu phải quậy thật đều tay cho đến khi đủ độ quyện bỏ thêm vào lạc rang và trộn đều để nguội là chúng ta đã có ngay bánh đúc lạc.
Khi ăn bánh đúc lạc thì phải ăn kèm với nước chấm đó chính là tương Đình Tổ. Đây là sự kết hợp hoàn hảo khi những nguyên liệu bà hương vị của hai món này bổ sung cho nhau đem đến sự đặc biệt cho món ăn.